Wednesday, November 9, 2011

HẠT LỆ KHÓC MẸ CHƯA KHÔ



Chiều 1/11/95.
Đi núi với các bạn. Chiều lại Nicole đưa tôi về nhà.Nguyên một ngày đi chơi với bạn, đáng lẽ tôi phải vui , nhưng trái lại, tôi cảm thầy trong người khó chịu, bần thần. Bạn bè giởn đùa bễn cạnh, mà tâm trí tôi đâu đâu!
Hôm qua , mẹ tôi điện thoại nhờ tôi chở ba mẹ di Isles Jourdain để ba tôi thăm mộ người mẹ nuôi cuả ông, vì ngày mai là ngày lễ các chư thánh. Tôi từ chối , viện cớ là đã cùng bạn bè tổ chức đi núi từ mấy tháng nay.Tôi bảo với mẹ qua hôm sau tôi sẽ đưa đi.
Sáng ngủ dậy , hơi bị lương tâm cắn rức ,linh tính có chuyện gì không hay, chạy cầm điện thoại gọi ra nhà, ông bà đã đi rồi . Nguyên một ngày đi chơi với bạn, trong lòng vẫn khó chịu , bần thần , không vui.
Lúc Nicole đưa tôi về tôi nói với nó:
_Pourvu que je n’aie pas de mauvaises nouvelles!
Xe hơi vưà đậu trước cưả , Cháu mai chạy ra cho hay ông bà ngoại bị tai nạn xe hơi nặng , cảnh sát gọi thẳng về nhà thương cho chồng tôi hay và chồng tôi gọi cho các cháu ở nhà tin không mấy vui này.Tai nạn xảy ra trên đường về,cách nhà 50 cây số. Xe cấp cứu đã đưa ba mẹ tôi vào nhà thương gần nhất ở St gaudens. Tôi như người mất hồn , giận mình , trí óc rối như cuộn chỉ , tôi chạy ra nhà xe nhờ cháu Châu đi theo cùng qua nhà thương . Châu chưa kịp trả lời, như con điên, tôi phóng vào xe, định ra cưả đi, cháu Mai gọi giật lại, không cho đi một mình:
_Je viens avec toi et je prends le volant .
Cháu Lan ở lại nhà, lỡ nhà thương có gọi .
Lúc đến nhà thương, xe cấp cứu chưa về đến ,2 mẹ con ngồi chờ, thời gian đi thật chậm đến sốt cả ruột !
Cả tiếng sau , 2 cô y tá đẩy branca vào; mẹ tôi nằm nhắm mắt , hơi thở lên xuống nhẹ nhàng dưới tấm drap trắng mỏng, miệng nói khẻ:
J’ai froid, j’ai froid
Ba tôi trong trạng thái người mất hồn , người ở hành tinh khác vưà xuống ., ngơ ngác, đi chầm chậm theo sau cúi mặt chẳng nhìn thấy mẹ con tôi bên cạnh.
Chủ nhật lễ, bác sỉ trực không có; tôi gọi Georges , một người bạn lai Việt bác sĩ ở ngay tỉnh , Georges chay đến ngay ; Nó lang xăng chạy tìm người sinh viên trực , nhưng đã hơi quá muộn vì thân nhiệt mẹ tôi xuống đến mức thấp nhất , nguy hiểm không làm sao cho lên trở lại được. Sợ ba tôi buồn , Georges đưa ông cháu qua phòng đợi nói chuyện.Ba, trong lúc ngồi chơi, bỏ bàn tay vào túi áo anorak , moi ra 1 nạm mảnh kiến chắn gió bể vụn , ngẩn ngơ không hiểu vì sao chúng có mặt được trong túi mà chính ba tôi, người ông chả có chút trầy sướt nào cả; lạ! thật lạ!
Chừng nưả tiếng sau, cô y tá chay cho hay mẹ tôi muốn gặp con gái ngay , tôi qua liền và mấy người kia cũng chạy qua theo.Me tôi vẫn thở nhẹ nhàng , mắt nhắm ;tôi đến cạnh cầm tay :
Mẹ , con đây, Inou đây , mẹ nhận ra con không ? Mẹ tôi lắc đầu .Cháu Mai và tôi , mỗi người nắm một tay mẹ tôi , muốn cho bà chút hơi ấm làm nhiệt độ có thể lên trở lại?.
Georges nhìn kim chỉ nhiệt độ : 5° không cứu kịp nưã rồi , nó chạy ra hành lang , hét um sùm gọi bác sĩ cấp cứu . Chẳng có ai!
Mẹ tôi vẫn nhắm mắt , khe khẻ:
_Adieu, adieu , je m’en vais ! và tắt thở.
Ba tôi im lặng đầu giường, vuốt tóc cho mẹ:
_Thu Ba ơi, em đi bình yên , mắt ông nhoà hẳn !
Georges biểu Mai đưa tôi về, ba tôi , Georges lo . Vưà ra đến cưả , tôi gặp bác sĩ trực ; ông ta đã khám mẹ tôi lúc nãy , cho hay từ vai mặt đến chân, xương gãy hết , bao nhiêu xương sườn gãy đâm vào phổi nên phổi đầy nước , rút ra không kìp, thêm vào đó bị chaỷ máu trong người nên không cứu kịp .
Ông nói thêm:
_ Tôi xin lỗi bà đã không cứu sống mẹ bà , và tôi nói thật với bà, từ ngày hành nghề đến nay, tôi chưa thấy ai muốn ĐI cho thật mau lẹ như vầy !
Tôi đoán là vì, nếu cứu bà sống , bà sẽ ngồi xe lăn suốt những ngày còn lại.
Điều ông ta nói, tôi hiểu ; vì mẹ tôi không bao giờ chịu sống trong cảnh này .
Mai và tôi đi về cho các cháu va gia đình hay tin.
;;;.....................................................................................
Mạ ơi , đêm đó con chong đèn thức sáng . Con điện thoại cho cô Tham hay , cô khóc ngất , không nói được tiếng nào thêm
, Tôi cúp. Cháu Châu thấy đèn sáng, chạy qua dỗ mẹ, muốn mẹ ngủ cho đỡ mệt vì sáng hôm sau tôi phải đi làm vì tìm không có người thế .
Mạ ơi, con nhớ mạ quá. Ngủ không được; con nằm ôn lại những kỷ niệm ít oi cuả mạ con mình. Từ chuyện mạ kể cho con nghe , hồi còn nhỏ chạy loạn trong rừng con bỏ tay mạ , chạy trước, một bầy ngựa rừng ở đâu sợ súng hổn loạn chạy sau , mạ hét to biểu con núp sau thân cây trước mặt, quay nói với ba , giọng dễ thương nưả Bắc kỳ, nưả Quảng Nam:
_ Anh ơi, con N tuổi ngưạ , hèn chi chạy mau không thua bầy ngựa hỉ?
Con lên 1 tuổi, Mạ với ba đi chơi xa , để con ở nhà với ông bà Ngoaị.
Mạ nói:
_ông cưng N. như vua Tàu cưng Bao Tự. Ông mà muốn cho N.cưòi ,ông đem ly ra đập; nhưng con không cười, chê tiếng không hay . Ông mở tủ lấy thử cái ly bằng pha lê trong suốt quăng thử, con cười dòn tan, thế la bộ ly qúi nhất ông đem ra đập hết cho được nghe con cười ! Ông sung sướng rung đùi , nhìn cháu vui .
Bà Ngoại đạo Phật , đem con lên chuà qui y, cho bận áo vàng, tóc để 3 trái đào. Ba mạ đi chơi xa về, con chạy ra đón, thấy con; Mạ lăn ra nằm vạ khóc , ông Ngoại phải dỗ mạ cả buổi.
Bà Ngoại mất , 1 tháng sau ông bị xử tử vì tôi làm quan, bị đem đi chém. Mạ làm gan đi coi , ngất xỉu, điên loạn từ đó.
...................................................
Những lúc mạ sáng suốt mạ cũng ngồi vuốt đầu ( ! bao nhiêu lần trong đời con ??)2 con , kể cho nghe những mẫu chuyện vui buồn trong đời mạ.
Chuyện ông ngoại còn ngoài Hà Nội bị tù , đi quét đường mỗi ngày; thương ghé lại hàng sách cuả bà ngoại đọc lén. Ông cố con , cụ Nguyễn Bá Học cứ thấy người tù mặt mày sáng suả ngày nào cũng đọc báo lén, gọi lại hỏi . Cố con cảm thương và đem con gái gả .
Chuyện ông ngoại con gặp lúc đi bên Tàu (con quên mất vì cớ gì nhưng biết là đi cho vua ), trên rừng ông ngã bịnh , được gia đình hai mẹ con người Thượng nuôi nấng , lúc khỏi bịnh , bà mẹ muốn ông cưới con gái bà , nhưng ông từ chối ,ra đi. Cô gái thương thầm ông, đã gửi ông bài thơ:

Chiều chiều lên bãi hái dâu
Cành dâu thì bỏ, lá dâu chăn tằm
Bắc nam chút nghiã đồng tâm
Vương tơ luống những âm thầm đợi ai !
Ông gửi lại cho cô:
Kià ai lên bãi hái dâu
Khi về nhắn nhủ một câu cho tằm
Vương tơ, vương khéo kẻo lầm
Phong trần hồ dễ buộc cùng khách du !
Nào khi ba con đi bộ đội , mạ ở nhà trông và ru con:
Lỡ mai sau cha về, có hỏi
Mẹ ở đâu con nói làm sao ?
Con hãy nói: trông cha mòn mỏi
Mẹ chết dần sau mấy tháng đau!
Mạ về làm dâu .
Ông Nội nói gì làm mạ tủi :
Con mồ côi cha mẹ, tưởng về nhà Cậu Mạ sẽ thương con , ai dè, rồi chạy vào phòng nằm miết không ra.
Ông Nôi đi lui đi tới trước cưả:
_ Đứa mô nhận Cậu làm cha thì ra ăn cơm.
Từ đó mạ được ông bà quí mến, tuy là dâu nhà quan , nhưng mạ không bị làm dâu , bà Nội rất hiền , mệ con cũng vậy, dạy dỗ cho mạ đủ điều.
Mạ thích làm thơ; thích vẽ. Ngày con đi học , mạ vẽ trong vở con hoa muguet , hoa đào cho vở con đẹp. Mạ thêu cho con áo gối , trong góc có con thỏ đứng gặm củ cà rốt, chiếc áo gối này , tối con ngủ phải có nó để con cầm , hai ngón tay xoe xoe , vò vò mới chịu nằm yên. Chiếc áo gối này , con giữ cho đến ngày con đi Pháp
Lúc con còn nhỏ, một hôm con bịnh vưà lành , con ngồi chơ với mạ và em, trước sân , nhìn ra ruộng luá xanh rờn. Con hỏi:
Mạ nì, họ trồng chi ngoài nớ rưá hả mạ ?
_Họ trồng luá làm gạo nấu cơm cho N. ăn đó .
_Hết luá họ trồng chi nưã không ?
_Khoai , sắn
_ Mấy thứ nớ mình ăn được không ?
_ Được chứ,
_ Củ khoai sắn ra răng hả mạ ?
_Đó tề, mấy thứ mạ nấu chín để trên bàn đó.
Người đau có ăn được không mạ?
_Khi mô lành mới được ăn
_ Rứa chừ N. Ăn được chưa mạ ?
_ Cái con chó ni , mi khôn quá , ừ thì lấy xuống ăn cho em ăn với.
Khi mạ lành bịnh, mình ở Bầu Vá được vài năm rồi ba xin vô SG dạy. Con lại bắt đầu cuộc sống du mục Đà lạt , Saigon ở Gia Long ,rồi con đi xa cho đến bây giờ. Ba mạ cho con đi xa chi cho sớm quá để chừ con không còn nhớ là con cũng có một mái ấm gia đình bên cạnh cha và mẹ , cho dù không được bao lâu con lại đi khi tuổi chưa đủ trưởng thành .
Ngày con đi, mạ bị bịnh mất ngủ gầy nhom , con cứ sợ không bao giờ còn gặp lại .
Sàigon 75 .
Chiến tranh bùng nổ, nhà hết tiền vì vượt biên không xong , bao nhiêu cuả bị người ta lưà. Ba bị tù, mạ sống lay lất buôn khoai buôn sắn chờ ba ra tù. Không đi được , mạ phải xoay xở để sống qua ngày như những người khác cho đến năm 80.
Gia đình con có bạn con ông sénateur xin lãnh giùm cho gia đình đoàn tụ..
Ba mạ lại trở về với cuộc sống lưu vong . Paris, st Girons, Paris, Hyères, St Girons
Và ở đây cho đến ngày mạ đi xa vĩnh viễn.
Con có gia đình riêng, ở cùng tỉnh nhưng không còn đậm đà vì con đi lâu quá; xa nhà nhiều , tình gia đình ,cha con , mẹ con mình lạt hẳn.
Chừ thương nhớ mấy cũng chịu , con không bao giờ được nghe tiếng “ chim sáo cuả ba “ hót nưã. Nay ba cũng đi rồi !
Lúc trước , thỉnh thoảng con chạy xuống nhà xem thư từ cho ba. Mỗi lần ghé ngang ngày xưa, mới đến thang lầu đã ngửi mùi xào nấu thơm phức , tiếng TV dưới bếp mạ vưà nấu ăn
vừa xem, tiếng nhạc cổ điển ba hay nghe , nay chỉ còn trống vắng ở lại !
Căn phố cũ đã sang tên khác ; con đi ngang, cúi đầu đi thẳng , tim nhói đau.. Nay con tiếc ngẩn ngơ chuyện đã đem cho mất tấm chăn patchwork mạ đã bỏ bao nhiêu tháng trời để thực hiên. Giá còn nó con sẽ đắp đêm đêm cho đỡ nhớ.
Con có người mẹ hiền mà không biết qúi , trời đã phạt con . Nay chỉ còn nhìn hình ba mạ trong album, thầm nói với mạ những điều con muốn nói .
Mạ ơi, mạ còn nhớ hồi nhỏ con nói ngọng không ? Con hay nói :
Mạ ơi , mạ có nạnh không ? N. nạnh !
Chừ con thêm vô : mạ ơi , chừ mạ ở mô ? có nạnh không ? N. nạnh!!

Tặng hương hồn ba mạ ở nơi xa.

đht

No comments:

Post a Comment