Wednesday, April 27, 2016



Buổi sáng tôi ưa dậy sớm, xuống bếp lo điểm tâm cho chồng, tôi pha café cho anh như anh thích từ ngày xưa khi anh đến quán Vân, vẫn tự tay tôi pha cho anh.
Trước khi ra khỏi giường, tôi nhìn anh còn ngủ, nét mặt dễ thương, hiền dịu vẫn không thay đổi cho dù đã mấy chục năm sau, vẫn y như lần đầu tôi gặp anh. Mỗi lần nhớ lâi những kỷ niệm này, tôi như bị đàn kiến bò trên người, châm chích, lòng thấy nao nao nhớ...tôi vội ôm lấy tay anh, luồn tay vào tóc anh, rồi cúi mặt xuống cho chạm vào mũi anh để cảm cái ấm nồng của hơi thở ấm và đều đều, để hiểu là mình không mơ, cơn mơ hay trở đi trở lại sau khi cùng với Vân n hìn theo bóng anh đã khuất xa. và sau đó là tiếng súng, tiếng đạn tiếng bom, tiếng máy bay rền trên nền trời Pleiku, những ngọn lửa đỏ rực trời và khói đen nghịt trên thành phố Vũng Tàu...tiếng sóng biển vỗ hai bên mạn tàu ngày di tản, tôi chưa kịp quên dù đã bốn mươi năm sống trên quê hương thứ hai của mình.
Tôi ngồi bên mép giường, ôm nhẹ đầu anh đặt lên chân mình, nhưng anh đã tỉnh, anh vít đầu tôi xuống tặng cho tôi một nụ hôn ngâydài đến ngợp thở.
Anh mỉm cười:
- Mấy giờ rồi mà em đã dậy?
- 8 giờ rồi ông tướng
Anh cười trêu tôi:
- Anh mới chức tá thôi em hihi
- Em dậy lo buổi sáng cho anh và pha café đậm như anh thích nhé.
Để anh nằm yên, tôi xuống bếp. Hương café buổi sáng thơm , tôi rót cho mình một tách nhỏ, mở cửa ra vườn ngắm những cây hồng đang nở hoa, buổi sáng dưới nắng, những hạt sương khuya còn đọng lung linh tên cánh mỗi lần có gió nhẹ thoảng qua; những cây hồng đủ màu anh biết tôi thích nên mua về trồng cho tôi.
Nhìn hoa hé nụ, nghe chim hát, tâm hồn trở thơ thới. Gió sớm mai hơi lành lạnh, tôi kéo cổ áo len, bất chợt tay chạm phải miếng thẻ bài bằng vàng anh tặng hôm sáng đó khi anh trở về doanh trại, bất giác những hình ảnh cũ ngày xa nhau lại kéo về, ập đến, ào ạt như ngọn triều cuồng. Từ một cô học trò Gia Long xinh đẹp, một cô sinh viên Văn Khoa chính chắn, con nhà nền nếp, bỗng một sáng một chiều vì hoàn cảnh đã trở thành một cô gái giang hồ, một kỹ nữ, một trò chơi cho những người đàn ông thèm khát của mới, cho những người lính không có ngày mai.
Cũng may là bạn tôi và tôi chưa đến nổi nhớp nhơ nhầy nhụa , tâm hồn vẫn còn trong trắng, chỉ tội cho Vân đã chưa kịp hưởng tình yêu chân thật với người Vân yêu, Vân chết một cách thê thảm, nhớ đến Vân, tôi buồn lắm, chắc không thể nào quên được bao giờ.
Còn tôi, cái may của tôi là vẫn còn sống sót trong chiến tranh, tôi đã được hưởng tình yêu của anh, tình yêu anh đã đem tôi ra khỏi vũng buồn thời loạn. Anh đã nói với tôi đêm đầu tiên gặp tôi
- Với anh, em là vợ anh, và đêm nay là đêm động phòng của mình chứ em không phải là người kỹ nữ anh đã dùng tiền để mua vui vài đêm.
Chính vì câu nói đó của anh mà tôi quyết định bỏ nghề này, chỉ giúp Vân trông nom quán và cơm nước cho khách thập phương ghé qua; cũng không ngờ anh đã để lại cho tôi một món quá qúi giá khác: Nam, con trai anh và tôi.
Sau này, khi gặp lại anh trong tiệc cưới con gái Hậu , tôi ướm lời muốn anh về sống với tôi vì chúng tôi vẫn yêu nhau, cho Nam có cha mẹ đàng hoàng, vã lại tôi có nhà cửa , còn anh, anh chia phòng sống với người bạn đồng khoá cho bớt tiền thuê nhà, từ ngày qua Mỹ, một thân một mình, anh không muốn đèo bòng nhà cửa làm gì
Nghe tôi phân tách phải trái, lúc đầu anh do dự vì không muốn mang tiếng nhờ vợ ( Sau khi gặp lại nhau, cháu Nam đã muốn cha mẹ nó cưới nhau đàng hoàng )
Hôm anh dọn nhà về, đồ đạc anh chẳng có gì ngoài hai chiếc vali một nhỏ một lớn, tôi giúp anh soạn đồ đạc vào tủ cho anh, trong vali lớn có một hộp bánh qui cũ mèm đầy lổ, chắc là lổ đạn tôi nghĩ vậy. Sau này sống với nhau, tôi hỏi anh từ khi anh xa tôi ngày ấy, anh đã ra sao, anh bảo anh trở về doanh trại và được lệnh phải đưa ngay tiều đoàn đi tiếp viện đủ mặt trận vì binh chủng Biệt Động Quân không có ngày nghỉ phép, hễ hết chỗ này là phải tiếp viện ngay chỗ khác đang cần ....

Sau đó, đơn vị Cường từ Kontum rút về đóng ở Bến Lưc, trong một trận đánh, anh bị thương, được chở về Tổng Y Viện Cọng Hoà. Cường nằm dưỡng thương ở đây  hơn 3 tuần lễ, thấy những vết thương anh sắp được bình phục, và nhiều thương binh mới được chở vào thêm, không đủ chỗ nên Bác Sĩ ký giấy cho anh được phép xuất viện.
Nhà Cường ở Phú Nhuận, nhà bây giờ không còn ai ngoài người vú già của chị em anh ngày xưa tông nom vì mẹ Cường mất sớm khi anh mới lên 5, và cha Cường mất năm ngoái nhưng anh bận hành quân nên không về đưa đám tang cha được. Chị Cường ngày trước làm cho sở Thông Tin, chị quen với một ký giả Mỹ, và lập gia đình với anh ta và theo chồng về Mỹ.
Không còn ai và cũng không có thể trở về đơn vị, Cường lang thang ngoài phố SàiGòn, hôm đó anh đang lang thang gần bến Bạch Đằng, thấy có chiếc tàu Hải Quân đậu ở đấy, và thấy họ đang cho dân chúng đi di tản, sẵn anh đang mặc quân phục, anh dến xin họ cho anh đi, và anh đã leo lên được chiếc tàu Hải Quân này . Chiếc tàu đủ người nên mở máy ra khơi, anh đứng nhìn lại, Bến Bạch Đằng dần dần xa, và quê hương anh đã bỏ lại.Lúc mới lên tàu, anh thấy anh may mắn được thoát và cũng không còn ai là gia đình nữa để nuối tiếc hay ân hận đã ra đi một mình...nhưng sau đó, anh cũng thấy buồn, anh bây giờ sống trong thân phận một người lưu vong.
Cường không đem theo gì trong người anh, trừ cái balo nhẹ hững cùng vài thứ kỷ niệm anh không muốn bao giờ mất chúng, cùng với những giấy tờ quan trọng như thẻ căn cước, cái lệnh bài ghi số quân của anh và hộp bánh bích qui lủng đầy lổ đạn...
Lênh đênh như vậy trên biển, Cường cũng quên mất đã bao nhiêu thời gian anh ở trên tàu. Cường hỏi một người lính Hải Quân cho biết họ sẽ trực chỉ đảo Guam.
Trên tàu, anh làm quen với một thiếu úy Thủy Quân Lục Chiến  tên Trình. Trình cũng không còn gia đình, còn mỗi người dì ruột ở Quảng Trị nhưng bây giờ cũng không biết dì mình đã lạc đâu trên đường di tản.
Một buổi chiều đứng trên bong tàu nhìn biển, Cường móc trong túi áo lấy bóp đựng giấy tờ, anh lấy hình Trầm Hương ra xem, Trình nhìn thấy, hỏi anh
- Niên trưởng có thể cho em nhìn tấm ảnh được không? vì hình như em thấy người trong ảnh quen quen.
Cường đưa hình cho Trình xem, chợt anh ta như giật mình hỏi Cường
- Em xin lỗi Niên Trưởng, làm sao niên trưởng có tấm hình này? có phải cô ta tên là Trầm Hương không?
Cường không trả lời, nhìn Trình như hỏi dò
_ Nếu đúng như vậy là cô ta bạn rất thân với em gái con dì của em, tên là Thiên Vân. Thiên Vân đã chết rồi, Vân chết khi lấy xe đò trở về Pleiku với Trầm Hương, xe đò bị trúng mìn, tất cả mọi người không có ai sống sót, và sau đó Trình không còn tin tức gì về quán Vân nữa, cũng không biết bây giờ số phận Trầm Hương ra sao. Cường thở dài, nói thầm trong miệng:
-Em bây giờ ở đâu? còn sống hay đã chết hả em, anh nhớ em quá!
Chiếc tàu của Hải Quân đã đến đảo Guam, ở đây không lâu, nhờ có uỷ ban Liên Hiệp Quốc can thiệp, Cường đã tìm được gia đình chị, nên được bảo trợ qua Mỹ.

No comments:

Post a Comment